Tin tức

Tập đoàn MBG: Lộn xộn mô hình công ty giấy và nghi án thổi giá cổ phiếu 800%

Cổ phiếu MBG tăng giá gần 10 lần một cách khó hiểu, lãnh đạo tự ý kiêm nhiệm các chức vụ, từng có tiền sử làm giá cổ phiếu bị phạt nặng và các dự án chưa nhìn ra tiềm năng,…

Không tìm nổi lý do để giá cổ phiếu tăng như bão

Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Việt Nam được thành lập ngày 4/10/2007. Năm 2015, cổ phiếu của công ty này được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã MBG.

Ngành nghề kinh doanh chính của MBG là xây dựng nhà các loại; sản xuất thiết bị đèn chiếu sáng, đèn trang trí, sản xuất đồ điện gia dụng; bán buôn vật liệu xây dựng; buôn bán trang thiết bị y tế.

Điểm nhấn của MBG trong quá trình phát triển là những bước tăng vốn. Năm 2009, vốn thực góp của MBG là 2 tỷ đồng, 4 năm sau tăng lên 30 tỷ đồng, 1 năm sau đó tiếp tục tăng lên 80 tỷ đồng.

Năm 2018, công ty tăng vốn điều lệ từ 208 lên 418 tỷ (tăng 210 tỷ đồng). Trong đó, tính riêng 2 khoản phải thu và cho vay lại chính các cổ đông vừa góp vốn lần lượt là 64,5 tỷ đồng và tạm ứng 55 tỷ đồng (tổng 119,5 tỷ đồng) không được ghi chi tiết đã khiến nhà đầu tư nghi ngờ khoản vốn tăng này là ảo. Chưa tính khoản trả trước nhà cung cấp cũng đáng ngại.

BCTC năm 2018 được kiểm toán thuyết minh rõ khoản phải thu và cho vay trên đã được thu hồi cả gốc lẫn lãi, nhưng ngay lập tức được chuyển thành tạm ứng, khiến cho tạm ứng tăng thêm 64,5 tỷ đồng, vừa đúng bằng  119,5 tỷ đồng.

BCTC tháng 6/2019 được kiểm toán cũng không thuyết minh gì về số dư tạm ứng này. Đến tận 30/9, số dư tạm ứng 119,5 tỷ đồng vẫn không thay đổi.

Sau khi lên sàn, cổ phiếu MBG đã có giai đoạn tăng giá mạnh, lên xấp xỉ 20.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó giảm sâu, đánh dấu bằng chuỗi những phiên giảm sàn liên tiếp trong tháng 6/2016, từ vùng giá xấp xỉ 20.000 đồng/cp rơi thẳng xuống 4.000 đồng/cp và từ đó đến tháng 8/2019 luôn giao dịch dưới vùng giá 5.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 8/2019, cổ phiếu MBG ghi nhận mức tăng trưởng "khủng" và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường. Chốt phiên 4/11, cổ phiếu MBG có giá quanh mốc 43.000 đồng/cp, tăng 438% kể từ đầu tháng 8. Như vậy, MBG tăng trên 800% trong vòng 1 năm.

Dù giá cổ phiếu MBG ngang giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn nhưng lợi nhuận trên báo cáo tài chính lại chỉ là... doanh nghiệp bé hạt tiêu. Trong 2 năm gần đây, lợi nhuận hàng quý của MBG dao động từ 1 tỷ đồng – 7 tỷ đồng.

Trong 9 tháng năm 2019, Tập đoàn MBG ghi nhận doanh thu hơn 349 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận 6,6 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, MBG hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của năm. 

Tiềm nặng dự án có xứng với giá cổ phiếu tăng chục lần?

Diễn biến tăng giá cổ phiếu MBG hồi tháng 8 vừa qua đúng lúc công ty thông báo việc chuyển hướng kinh doanh. Ngày 5/8/2019, Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Xây dựng và Thương mại Việt Nam đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn MBG.

Đồng thời MBG công bố sẽ chuyển sang chiến lược phát triển đa ngành nghề, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xây lắp, đầu tư.

Theo quan sát, hiện các dự án của công ty đa phần đầu tư thông qua các công ty liên kết. Theo báo cáo tài chính quý III/2019, MBG sở hữu 75% Công ty cổ phần Công nghiệp Miền Trung , phần còn lại do công ty liên kết của MBG là Pjaca Group sở hữu. Nhưng, MBG vừa mới có kế hoạch rút vốn tại Công ty cổ phần Công nghiệp Miền Trung.

MBG sở hữu 12% Pjaca Group và sở hữu 36% cổ phần tại dự án khoáng nóng MBG Lạc Sanh Phú Yên, 15% vốn của Pjaca Phú Yên đầu tư nhà máy bao bì. Các công ty MBG tham gia góp cổ phần có vốn điều lệ từ 50 - 300 tỷ đồng.

Theo MBG, công ty hiện đang phát triển sản phẩm sơn phủ bề mặt MaxxBau, dự kiến sản phẩm thương mại sơn chính thức được phân phối ra thị trường trong quý IV/2019. Công ty có định hướng tiếp tục ra mắt các sản phẩm sơn khác như sơn gỗ, sơn công nghiệp, mục tiêu sau 2 năm sẽ lọt vào Top 10 về doanh thu ngành sơn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, MBG thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Pjaca Phú Yên đầu tư nhà máy bao bì cao cấp tại Khu công nghiệp An Phú, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nhà máy có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng hiện đã hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng. Các sản phẩm chính bao gồm bao bì nhựa, túi nilon tự phân hủy, bao bì giấy, các sản phẩm nhựa, in ấn.

Dự kiến, nhà máy sẽ khởi công xây dựng trong quý IV/2019 và hoàn thành đưa vào hoạt động sau 6 tháng. Các sản phẩm phục vụ nhu cầu cho các tỉnh duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.

Một dự án khác là dự án Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh tại Phú Yên do Công ty cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên đầu tư trên diện tích khoảng 28ha, tổng mức đầu tư dự kiến gần 200 tỷ đồng.

Dự án Du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Lạc Sanh tại Phú Yên do Công ty cổ phần MBG Lạc Sanh Phú Yên 

MBG Lạc Sanh Phú Yên cho biết sẽ xin bổ sung đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ nước khoáng nhằm khai thác thế mạnh tối đa của mỏ khoáng nóng.

Các dự án trên đều mới ở bước đầu triển khai. Theo báo cáo tài chính, năm 2016 và 2017, MBG không ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Sang năm 2018 chỉ ghi nhận 177 triệu đồng và trong 9 tháng đầu năm 2019 không phát sinh lợi nhuận.

Bí ẩn cổ đông lớn

Gần đây, 20 triệu cổ phiếu MBG phát hành trong tháng 11/2018 được giao dịch trở lại trên thị trường sau hơn 1 năm bị hạn chế giao dịch.

Lại quay lại câu chuyện tăng vốn, Tập đoàn MBG đã phát hành 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của công ty lên hơn 418 tỷ đồng trong khi thị giá thời điểm đó chỉ 4.000 - 5.000 đồng/cổ phiếu.

Tiêu chí phát hành riêng lẻ của MBG là “cho nhà đầu tư chiến lược”. Theo đó, 14 nhà đầu tư cá nhân mua hết 20 triệu cổ phần MBG trong đợt chào bán riêng lẻ. Người mua ít nhất là 600.000 cổ phần và có 4 nhà đầu tư mua mức cao nhất là 2 triệu cổ phần mỗi người, tương đương 4,9% vốn điều lệ MBG. Như vậy, các nhà đầu tư cá nhân được mua với số lượng vừa đủ để mỗi người không sở hữu quá tỷ lệ 5% vốn điều lệ, không đủ để trở thành cổ đông lớn nhưng vừa đủ để không phải làm nghĩa vụ công bố thông tin.

Giới đầu tư vẫn lạ rằng, trên thị trường lại có 14 người cá biệt sẵn chi mua cổ phiếu MBG với giá gấp 2,5 lần giá thị trường và cổ phiếu không chuyển nhượng trong 1 năm.

Có tiền sử bệnh “làm bừa”

Năm 2017, UBCK xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phạm Huy Thành, Chủ tịch HĐQT MBG.

Ông Thành chịu mức phạt 60 triệu đồng do tự ý kiêm nhiệm chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc MBG khi chưa được ĐHCĐ thường niên năm 2016 phê chuẩn.

MBG cũng từng bị xử phạt 70 triệu đồng do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 36 tháng.

Một thông tin không hay khác, hồi tháng 5 năm 2018, UBCK xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Minh Toàn (tổ 18, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với số tiền 550 triệu đồng.

Theo kết luận, từ ngày 26/11/2015 đến ngày 8/8/2016, ông Nguyễn Minh Toàn đã sử dụng 1 tài khoản của mình và 21 tài khoản đứng tên người khác mở tại 3 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán, tạo cung - cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu MBG của CTCP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại Việt Nam.

Hotline tư vấn miễn phí: 0909399032
Zalo